Vụ "biển thủ" tiền công đức ở đền Ông Hoàng Mười  (Nghệ An): Di tích sẽ phát huy giá trị sau khi chấn chỉnh?

VHO - Sau vụ việc thành viên của Ban quản lý đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) lấy trộm tiền công đức, hoạt động lộn xộn, gây dư luận xấu, hiện cơ cấu Ban quản lý đã có sự thay đổi. Những người vi phạm đã bị loại bỏ, chấm dứt lao động tại đền.

Vụ 

Di tích đền Ông Hoàng Mười

Liên quan vụ việc nhân viên Ban quản lý di tích đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An) dùng thủ đoạn tinh vi lấy trộm tiền đặt lễ của du khách bỏ vào vỏ hộp bánh, chiều qua 2.4, UBND huyện Hưng Nguyên cho biết, sau khi nhận được công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, địa phương đã có công văn 132/BC-UBND báo cáo công tác quản lý và tổ chức hoạt động tại đền. Về xử lý các đối tượng bị vi phạm trộm tiền tại đền, cụ thể, một người bị buộc thôi giữ chức vụ Phó ban; một người thôi tham gia thành viên Ban quản lý; một người bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Trưởng Ban quản lý di tích đền Ông Hoàng Mười Hoàng Thị Hoài Thanh cho biết: “Để từng bước chấn chỉnh, đưa mọi hoạt động tại di tích đi vào quy củ, UBND huyện đã chỉ đạo Ban quản lý đền Ông Hoàng Mười họp để quán triệt một số nội dung. Trước hết ổn định tư tưởng của những người làm việc tại đền, không dao động trước những lời xúi giục, kích động của các phần tử không tốt. Phân công lại các ca trực đảm bảo điều hành mọi hoạt động tại đền. Giao việc thu gom tiền trên các ban thờ cho các thành viên trong Ban quản lý tham gia ca trực. Thực hiện việc chấm công, nghiêm túc trong việc mặc đồng phục, đeo thẻ; không uống rượu, bia trong thời gian làm nhiệm vụ tại đền. Thực hiện nếp sống văn minh, giao tiếp, đón tiếp du khách. Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an ninh, trật tự”.

Theo UBND huyện Hưng Nguyên, địa phương đang tiến hành lựa chọn nhân sự đưa vào Ban quản lý để đảm bảo tính kế thừa, phát huy có hiệu quả các giá trị của di tích. Thành lập tổ giám sát các hoạt động và nguồn công đức tại di tích. Việc quản lý đội thầy cúng sẽ được tăng cường chặt chẽ hơn, triển khai ký cam kết thực hiện các quy chế của di tích. Về ban hành quy chế quản lý, công văn nêu rõ: “UBND huyện đang rà soát bổ sung một số nội dung đưa vào quy chế quản lý, tổ chức và hoạt động tại di tích lịch sử, văn hóa đền Ông Hoàng Mười. Sau khi ban hành quy chế hoạt động, sẽ giao Ban quản lý di tích ban hành các văn bản phân công nhiệm vụ, quy chế hoạt động nội bộ,... nhằm đảm bảo công tác quản lý, tổ chức các hoạt động được chặt chẽ, khoa học và chuyên nghiệp. Ban quản lý đền cũng đang phối hợp với Công an huyện xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo công tác ANTT. Sau khi thống nhất sẽ tổ chức lễ ký cam kết thực hiện”.

Vụ 

 Người dân cúng lễ tại di tích

Thời gian tới, UBND huyện Hưng Nguyên cũng tăng cường công tác quản lý khu dịch vụ (kiốt, quán và bãi xe). Giao UBND xã Hưng Thịnh tiến hành ký cam kết với các chủ kinh doanh kiốt, quán về việc không vẫy khách, chèo kéo khách gây phản cảm ở khu vực di tích. “Bộ máy hoạt động tại đền hầu hết là những công dân xóm Xuân Am, trong lúc đó, số lượng cán bộ, công chức của huyện và xã tham gia vào bộ máy quản lý tại đền quá ít. Nên việc cử người vào Ban quản lý cũng phải phù hợp với lĩnh vực công việc. Hơn nữa, những người kiêm nhiệm đang phải đảm nhận công việc chuyên môn khá nặng nề trong giai đoạn chuyên môn hóa cao, số lượng cán bộ tinh giản, nên một số hoạt động tại đền còn có tình trạng bảo vệ, bao che cho nhau. Đặc biệt, đa số người dân xóm Xuân Am còn mang nặng tư tưởng đền là của xóm”, Trưởng Ban quản lý di tích đền Ông Hoàng Mười Hoàng Thị Hoài Thanh cho biết thêm.

Ban quản lý đền Ông Hoàng Mười có 15 người, trong đó tổ tác nghiệp 7 người và tổ bảo vệ 8 người. Hằng ngày, các thành viên chia 4 ca trực (mỗi ca 6-7 người), có nhiệm vụ gom tiền công đức tại các điện thờ bỏ vào két. Trong ca trực ngày 25.2, ông B.V.T cùng các thành viên trong tổ trực thực hiện theo nhiệm vụ được phân công, thu tiền công đức được người dân đặt lễ tại các cung trong đền để bỏ vào hòm công đức. Quá trình thu tiền tại gian nhà Trung điện, ông B.V.T đã lấy trộm một số tiền bỏ vào vỏ hộp bánh sau đó mang về cất giấu trong phòng bảo vệ. Quá trình này bị một người quay video lại. Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan công an đã làm rõ số tiền này hơn 1 triệu đồng. Công an huyện Hưng Nguyên sau đó đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 2,5 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp tài sản của B.V.T, đồng thời trao trả lại Ban quản lý đền Ông Hoàng Mười toàn bộ số tiền mà B.V.T đã lấy trộm.

Sau sự việc xảy ra mới được Ban quản lý lắp camera giám sát tại nơi đặt thùng niêm phong nguồn tiền công đức. Trên các cung đặt lễ đã có biển chỉ dẫn “Không dâng tiền trên bàn thờ”. Đây không phải là lần đầu di tích này xảy ra lùm xùm chuyện quản lý tiền công đức, và bây giờ vẫn tái diễn theo một phương thức mới. Vào năm 2013, Ban quản lý đền bị phát hiện thường xuyên chở tiền công đức ra ngoài để “thuê người kiểm đếm”. Sau vụ việc này, UBND xã Hưng Thịnh đã thay toàn bộ Ban quản lý, đồng thời thay hòm công đức bằng két sắt. Từ khi UBND huyện Hưng Nguyên trực tiếp quản lý, nguồn tiền công đức thu được tại đền Ông Hoàng Mười tăng lên gấp nhiều lần. Theo đó, trước đây, trong vòng 11 năm, tiền công đức thu được nộp vào Kho bạc Nhà nước tổng cộng chỉ vỏn vẹn 1,5 tỉ đồng. Nhưng từ khi có Ban quản lý mới vào năm 2014, bình quân mỗi năm số tiền công đức thu về là hơn 11 tỉ đồng, riêng năm 2023 là 17 tỉ đồng. Hiện tại, đền có 14 hòm công đức đặt tại 13 cung và nơi Ban quản lý làm việc.

Tái diễn chuyện “thất thoát” tiền công đức và việc làm của nhân viên thuộc Ban quản lý di tích đền Ông Hoàng Mười bị “phanh phui” khiến người dân và du khách bức xúc. Dư luận đang dõi theo sau khi chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, thay đổi trong cơ cấu tổ chức thì Ban quản lý đền có hoạt động hiệu quả và phát huy tốt giá trị của đền? 

PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc